Ký sự Thắp Sáng Niềm Tin số #1: anh Nguyễn Thanh Phong (cán bộ chuyên trách Quỹ)
Thời gian: 07/08/2022 21:31:20Tôi đón chuyến xe khách từ TP. Hồ Chí Minh đi đến thành phố Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk trong chuyến công tác dự kiến kéo dài 3 ngày đi xác minh các hồ sơ xin cấp học bổng của các em học sinh đã gửi về cho Quỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên tôi đi xác minh hoàn cảnh của học sinh, với vai trò là Cán bộ chuyên trách Quỹ, đây đã là lần thứ 3 tôi tham gia "nhiệm vụ đặc biệt" này. Dùng từ "đặc biệt" bởi hai lý do, thứ nhất đây là các trường hợp “khó khăn đặc biệt”, và thứ hai, việc xác minh các hồ sơ này để lại cho tôi nhiều “cảm xúc đặc biệt”.
Ở những nơi đặc biệt….
Chuyến đi lần này của tôi sẽ di chuyển trong 7 huyện của tỉnh Đắk Lắk và huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông với 8 trường hợp cần xác minh. Đa số các trường hợp đều nằm ở các huyện xa xôi, nơi có mật độ dân số còn thưa thớt, việc đi lại dẫu có đường nhựa nhưng còn khá khó khăn do địa bàn rộng, các em đều ở sâu trong rẫy, trong rừng, trong các buôn làng, có những trường hợp phải di chuyển gần 100 cây số mới đến được nhà của các em, phải đi qua những con đường không tên, xuyên những khu rừng vắng, lại gặp lúc thời tiết không ủng hộ, trời mưa nhiều và nặng hạt nên có những con đường đất rất lầy lội, chiếc xe số trầy trật mãi mới có thể len qua được lớp bùn đầy đất đỏ bám dính lấy bánh. Đi một mình đôi khi làm tôi cảm giác hơi hoảng khi có những cung đường gần 10 cây số không thấy một mái nhà nào. Có một số em thì may mắn được học tại trường dân tộc nội trú của tỉnh, ăn ở và học tập tại trường, đến cuối tuần thì được về nhà, một số em khác thì đi học cùng bạn bè, hoặc tự đi xe đạp với quãng đường lên đến hơn 10 cây số đồi núi mỗi ngày. Thế nhưng, các em chưa từng vắng một buổi học!
Có những hoàn cảnh đặc biệt….
Ngồi tiếp chuyện với tôi, trên chiếc giường nhỏ, bố của em Th.Tr kể câu chuyện về những tai nạn lao động đã lấy đi đôi bàn chân của mình, vừa kể ông vừa kéo ống quần để lộ đôi chân đã bị cắt đến gần đầu gối, chi chít những vết sẹo. Ông cũng tâm sự về lý do vợ mình bị tâm thần và những vất vả khi phải đối mặt với những khoản nợ đang chất đống trên đầu mà không hẹn ngày trả. Ngập tràn trong đôi mắt của ông là sự tuyệt vọng và buồn bã, những nếp nhăn hằn sâu lên sự lo lắng không kể xiết.
“Ông cũng mong cho nó đậu đại học, để sau này có tương lai tốt hơn, lo được cho nó với mẹ nó, chứ ông với bà thì giờ cũng có tuổi rồi, cũng chẳng làm gì ra tiền để nuôi nó nữa! Còn mẹ nó thì cháu cũng thấy rồi đấy, mẹ nó có biết cái gì đâu!” Đó là lời tâm sự của ông ngoại em M.Đ, một ông cụ nay đã 75 tuổi. Một câu nói ngắn gọn của ông nhưng đã tóm tắt được hoàn cảnh gia đình em: Em và mẹ sống cùng ông bà ngoại từ nhỏ tới giờ. Mẹ em là mẹ đơn thân, có vấn đề về thần kinh, và luôn trong trạng thái không tỉnh táo. Em chưa từng một ngày được gặp cha hay biết tin gì về người đàn ông ấy. Ông bà ngoại là người đã yêu thương, chăm sóc, che chở cho em. Ông là một cựu chiến binh, sống nhờ trợ cấp của xã hàng tháng, còn bà cũng đã cao tuổi, chỉ quanh quẩn ở nhà, bà bị đục thủy tinh thể nặng, một bên đã không còn thấy gì, bên còn lại thì cũng đã rất mờ, bác sĩ chẩn đoán cũng sắp không còn nhìn được nữa.
Còn với em M.T, cả gia đình năm người đều chỉ trông chờ vào một người lao động duy nhất trong gia đình là bố với công việc phụ hồ. Vài năm trước, khi mẹ em phát hiện mình bị bệnh tim, sức khỏe ngày càng suy yếu, không thể làm công việc nặng được, cũng là lúc áp lực tài chính dồn lên hết đôi vai của người bố. Anh Tr, bố em, đã phải bỏ công việc làm cán bộ xã với đồng lương ít ỏi, để đi làm công việc phụ hồ, tuy nặng nhọc, nhưng thu nhập có phần tốt hơn, có thể lo được cho gia đình. Những tưởng cuộc sống sẽ dần khá hơn chút đỉnh, ai mà ngờ được năm 2020, em trai của M.T bị điện cao áp giật, suýt chết. Nhờ những cố gắng không biết mệt mỏi của gia đình và sự hỗ trợ của bà con xóm giềng từ vật chất tới tinh thần mà gia đình của em mới có thể chữa trị được cho em trai, và cũng là gánh thêm một khoản nợ chưa biết ngày nào sẽ trả hết.
Dẫu biết rằng “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng khi nghe những lời tâm sự từ các em, từ phụ huynh, tôi chẳng thể nào cầm lòng được, tại sao lại có những con người còn khổ đến như thế?!
Nuôi dưỡng nên những con người đặc biệt…
Trong căn phòng dán chi chít trên tường là những giấy khen, bằng khen các cấp của em N.T.T, tôi chú ý hơn cả là giấy khen “Giải Khuyến khích cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng cấp tỉnh”, em tâm sự em rất thích đi học và tìm tòi những thứ mới lạ xung quanh mình, giấy khen này cũng là thành tích của một lần trải nghiệm và thử thách bản thân như thế. Ước mơ của em là tiếp tục được đến trường và đi học đại học chuyên ngành về tài chính để thay đổi hoàn cảnh của bản thân, mong muốn cuộc sống tốt đẹp hơn cho mẹ, cho bà của mình.
“Đi học đại học với em vừa là ước mơ thay đổi cuộc đời, vừa là thực hiện nguyện vọng của bố!” – M.D vừa nghẹn ngào nói, vừa nhìn lên di ảnh của người bố đặt trên bàn thờ, “Mẹ em kể, nguyện vọng của bố em trước khi mất là mong con cái sẽ được học hành tới nơi tới chốn, đó cũng chính là lý do mà mẹ em dù mang trong mình nhiều bệnh tật, chạy vạy khắp nơi, vẫn quyết tâm cho ba chị em đến trường, em không muốn làm cho bố mẹ thất vọng”.
Cũng với sự quyết tâm ấy, người chú của em N.T.H chia sẻ: “Có bán nhà thì cũng phải ráng lo cho nó ăn học cho đàng hoàng, chứ giờ nó còn ai đâu, bố dượng thì không biết tung tích gì, mẹ thì về quê chăm hai đứa nhỏ còn chưa xong!”. Bố bỏ đi khi mẹ mới mang thai em được 3 tháng. Khi em 5 tuổi, mẹ đi thêm bước nữa và có 2 em nhỏ. Em từ đó sống cùng với bà và hầu như không nhận sự giúp đỡ hay hỗ trợ gì từ gia đình của mẹ. Em chỉ còn cậu và bà là những chỗ dựa về tinh thần, cũng là những người luôn bên cạnh chia sẻ với em những niềm vui hay thất bại trong cuộc sống. Hơn ai hết, em hiểu rằng cậu cũng có gia đình phải chăm lo, và phải lo cho cả bà nữa. “Sau khi sắp xếp ở nhà xong, em sẽ dọn đồ xuống Sài Gòn sớm để đi làm, dành dụm tiền đóng học phí. Em sẽ cố gắng hết sức để có thể tự lo được cho bản thân mình và học tập thật tốt, sau này báo đáp cho bà, cho cậu!”. Hoàn cảnh đã tôi luyện cho em những suy nghĩ chín chắn và trưởng thành như thế đấy!
Tám em học sinh, là tám câu chuyện được kể lại, rất sống động, giàu cảm xúc và ý nghĩa. Tôi đã nghĩ sẽ kể cho các em nghe về những tấm gương của Quỹ, những người đã mạnh mẽ vượt qua những thời khắc đen tối nhất của cuộc đời, để tạo động lực phấn đấu cho các em. Nhưng tôi thấy điều đó có vẻ như không còn cần thiết nữa, vì sau những lời nói, những ánh mắt của các em, tôi biết rằng các em chưa bao giờ ngưng hi vọng và quyết tâm, chưa bao giờ thôi đặt niềm tin vào bản thân, và cũng chưa bao giờ ngưng cố gắng cho một tương lai tốt đẹp hơn!
Tôi chợt nghĩ, ông trời quả thật đã lấy đi của các em rất nhiều thứ, nhưng ông ấy cũng tặng lại cho các em món quà giá trị nhất: NIỀM TIN!
Thanh Phong – Cán bộ chuyên trách Quỹ