Ký sự Thắp Sáng Niềm Tin số #2: anh Trần Trọng Quyền (cán bộ Đoàn Thanh niên PVcomBank)
Thời gian: 29/08/2022 11:10:43Tham gia hoạt động Đoàn, Hội, Đội đã được hơn 10 năm nhưng tôi chưa từng được tham gia một hoạt động hay chương trình nào mà khiến tôi có nhiều tâm đắc đến thế, nó để lại cho tôi nhiều kỷ niệm, nhiều sự suy nghĩ và rất nhiều sự đồng cảm đến vậy. Tôi làm việc tại PVcomBank mới được nửa năm, nhưng may mắn thay lần đầu tiên được tham gia hoạt động của Quỹ học bổng Thắp sáng niềm tin là “xác minh hoàn cảnh của học sinh có hoàn cảnh rất khó khăn tại các địa phương miền núi” để trao tặng những suất học bổng, tạo những niềm tin cho các em học sinh đó tiếp tục thực hiện những mơ ước, những hoài bão để mở ra một tương lai mới cho bản thân, gia đình và chính những vùng quê nghèo đó.
Trong 04 ngày đi qua 08 tỉnh ở lại 03 tỉnh và xác minh 07 trường hợp tôi nhận ra rằng đất nước Việt Nam của mình thật đẹp biết bao, núi rừng hùng vĩ, cảnh vật tươi đẹp và thơ mộng biết nhường nào. Nhưng bên trong những ngọn núi đó, những rừng cây đó chính là những căn nhà tranh vách gỗ, những nơi mà bóng điện không đủ sáng, những con người làm cả ngày cũng không đủ để ăn và hơn thế nữa chính là nơi mà những con chim nhỏ mang những ước mơ, hoài bão không thể cất cánh bay cao bay xa.
Tôi xuất phát từ Hà Nội lúc 7h30. Điểm dừng đầu tiên của tôi là 1 bạn học sinh ở huyện Bach Thông, tỉnh Bắc Kạn. Cách đường lớn khoảng gần 20km đường đồi núi 1 căn nhà cấp 4 vỏn vẹn chưa được 40m2 mới được quét vôi lại. Với những tấm bằng khen, huy chương treo kín một khoảng tường bạn đó là 1 học sinh giỏi với mơ ước được học ngành Công an để phụ giúp mẹ về chi phí học tập và sinh hoạt khi thực hiện ước mơ của mình.
Rời Bắc Kạn tôi di chuyển về với tỉnh Cao Bằng, nơi có số lượng cần xác minh nhiều nhất cũng là nơi mà cho tôi nhiều cảm xúc nhất, nhiều sự trải nghiệm nhất và gặp nhiều hoàn cảnh chỉ cần thấy thôi là muốn trao học bổng luôn rồi chứ không cần phỏng vấn hay xác minh nữa. Nhà của các em học sinh đều ở sâu trong núi, trong rừng. Đi cùng cả đoàn 3 người mà đôi khi làm tôi cảm giác hoảng sợ, tưởng rằng mình đang đi nhầm đường khi có những cung đường gần 10 cây số không thấy một mái nhà nào tất cả chỉ là núi rừng và còn không có cả biển báo giao thông gì trên cả đoạn đường đó, với 1 bên là vách núi, 1 bên là núi đá cao, đi 1 đoạn lại có 1 đoạn sạt lở do đoàn tôi đi khi mà vài hôm trước ở đó đều mưa to, đến những nhà mà chúng tôi không thể đi xe vào được mà phải đi bộ có chỗ phải mất 30,40 phút đi bộ mới vào được tới nhà các bạn. Với những cung đường đi như vậy có cho tôi đi xe máy để đi chắc tôi cũng không dám đi. Một số em thì may mắn được học tại trường dân tộc nội trú của tỉnh, ăn ở và học tập tại trường, đến cuối tuần thì được về nhà, nhưng có một số em khác thì đi học cùng bạn bè, hoặc tự đi xe đạp với quãng đường lên đến hơn 10 cây số đồi núi mỗi ngày mà có những bạn thì phải đi bộ 2,3km từ nhà mới có thể ra được đến đường để có thể đi xe đi học vì đoạn đường đó chỉ là đường mòn đi bộ còn khó chứ không nói gì là đi xe. Thế nhưng, các em chưa từng vắng một buổi học nào.
Tại đây có 5 trường hợp phải xác minh thì cả 5 bạn, mỗi bạn đều có 1 hoàn cảnh khó khăn riêng bạn thì bố, mẹ mắc bệnh hoặc mất, có bạn thì gia đình cả căn nhà chẳng có gì đáng giá ngoài 1 cái quạt điện cũ và đống củi khô trong nhà mà hầu hết ở đây gia đình các bạn đều không có đất trồng lúa mà chỉ có trồng được ngô và đi mua gạo để sinh hoạt. Trong số đó có 1 trường hợp làm tôi có nhiều cảm xúc và nhiều suy nghĩ nhất là gia đình của 1 bạn Học sinh ở Hà Quảng, Cao Bằng. Cách đường lớn khoảng 30km đường núi tôi đi xe mất khoảng gần 1 giờ đồng hồ, đường đồi núi và đường đất nhưng vẫn phải đi bộ mất 20 phút mới có thể vào tới nhà. Căn nhà tranh vách gỗ, phía dưới sàn là nơi nuôi lợn, gà và để thân ngô,…cả căn nhà chỉ có cái Ti vi đã hỏng, bóng điện không được sáng lúc có lúc không, gia đình 3 thế hệ nương tựa vào nhau nhưng không có 1 người đàn ông nào gánh vác, cả nhà mỗi tháng chỉ có 10 ký gạo, đúng 10 ký gạo mà 5 người ăn trong vòng 1 tháng. Gia đình khó khăn như vậy đó nhưng bạn vẫn học giỏi và điểm thi cũng đạt trên 24 điểm. Nhưng cái khó khăn hơn cả với bạn là cả bà và mẹ đều không muốn cho e đi học Đại học dù đã được cả em nói chuyện trước và đến khi chúng tôi lên nói cho gia đình thì gia đình vẫn không đồng ý cho bạn đi học. Tôi ngưỡng mộ em vì lòng quyết tâm và sự tự lập khi ra về chúng tôi có hỏi “Nếu không được nhận học bổng thì em có tiếp tục cố gắng để học đại học dù gia đình không đồng ý không” bạn vừa khóc vừa trả lời chúng tôi “Em vẫn quyết định đi học Đại học, dù không nhận được học bổng của Quỹ, về phía gia đình thì dù hôm nay các anh không lên thì em cũng sẽ quyết định đi học nếu nhà không cho em sẽ chốn đi để học, em có thể vừa học vừa làm để trang trải học phí cho mình”. Sự mạnh mẽ và cương quyết của bạn làm tôi phải suy nghĩ. Tôi và 1 bạn đi xác minh đã quyết định luôn là sẽ đề xuất trao học bổng luôn cho bạn ý để bạn có thể an tâm 1 phần về con đường thực hiện ước mơ sắp tới.
Để mà kể được chặng đường 4 ngày đó và cảm xúc của mình, chắc có lẽ tôi phải viết thành 1 cuốn chuyện ngắn thì mới hết được. Cảm ơn Quỹ học bổng Thắp sáng niềm tiên, cảm ơn PVcomBank đã cho tôi có cơ hội được tham gia chuyến đi ý nghĩa này. Chúc cho các em học sinh được nhận học bổng năm nay sẽ luôn vững niềm tin và thực hiện trọn vẹn mơ ước của mình trên những chặng đường tiếp theo.
Qua bài viết này cũng mong rằng các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân đã, đang và sẽ ủng hộ Quỹ học bổng Thắp sáng niềm tin đọc được bài viết này hãy luôn đồng hành và cùng chung tay ủng hộ Quỹ nhiều hơn nữa để những năm tiếp theo Quỹ không chỉ trao tặng cho 50 hay 70 em học sinh trên cả nước mà nhiều hơn thế nữa.
“Hãy cùng chung tay Thắp sáng niềm tin cho những ước mơ vươn cao, vươn xa”