#1: NHỮNG KẺ XUẤT CHÚNG, CÓ THỰC SỰ XUẤT CHÚNG?
Thời gian: 12/03/2023 15:27:34[MỖI TUẦN MỘT CUỐN SÁCH]
#1: NHỮNG KẺ XUẤT CHÚNG, CÓ THỰC SỰ “XUẤT CHÚNG”?
“Những người thành công trông có vẻ tự thân làm lụng mọi điều. Nhưng trên thực tế, họ luôn vẫn là kẻ thụ hưởng những lợi thế ẩn giấu và cơ may phi thường cũng như những di sản văn hóa cho phép họ học hành, làm việc chăm chỉ và nhìn nhận thế giới bằng cách thức mà kẻ khác không thể.”
Trong thời đại các nền tảng mạng xã hội phát triển với tốc độ chóng mặt và ảnh hưởng sâu sắc tới con người như hiện nay, chắc hẳn không khó để các bạn nhận ra: Cứ trung bình lướt 5 video trên Tiktok, chúng ta lại nhìn thấy 1 video với tiêu đề na ná thế này: “Mình đã kiếm được 100 triệu ở tuổi 16 như thế nào”, “Chàng trai 22 tuổi làm giám đốc công ty ABCXYZ”, “Cách để bạn trẻ 9x đam mê du lịch nhưng vẫn sở hữu cho mình 1 căn chung cư sau 3 năm đi làm”, “3 cách để kiếm được 1 tỷ đồng ở tuổi 2x”, “Trở thành triệu phú nhờ áp dụng bí quyết đầu tư của Warren Buffet”…. Những cái tiêu đề thật hấp dẫn này ngay lập tức kích thích và giữ chân người xem. Ở thời đại "mì ăn liền" này, những video xuất hiện nhan nhản và trông có vẻ như là con đường ngắn nhất dẫn được đến thành công. Chúng ta trầm trồ, ngưỡng mộ những triệu phú, những người sở hữu những thành tựu đáng nể ở độ tuổi rất trẻ. Nhưng có thật sự rằng những người này là hoàn toàn tự thân hay không? Hay là họ đã thừa hưởng được những lợi thế ẩn giấu nào đó mà những kẻ khác không có được? Hãy cùng nhau tìm hiểu thông qua 1 cách tiếp cận mới lạ với cuốn sách “Những kẻ xuất chúng” (The Outliers) của tác giả Malcolm Gladwell nhé!
“Outliers” là một thuật ngữ toán học chỉ những điểm bên ngoài đường thẳng/người nằm ngoài/điểm nằm ngoài và có thể gọi là điểm kỳ dị; nhưng ở đây tác giả muốn dùng để nhắc tới “Những kẻ xuất chúng” - những con người có thành công vượt bậc hơn hẳn người khác. Vậy những thành công đó do đâu? “The Outliers" không chỉ nói về thành công đơn thuần mà còn đề cập đến thất bại như một cách giải thích cho thành công. Bên cạnh việc đưa ra các chứng minh và ví dụ thực tế, tác phẩm còn truyền tải thông điệp về sự quan trọng của sự may mắn, môi trường và nỗ lực trong việc thành công. Tác giả cũng khéo léo trình bày các chứng minh khoa học, số liệu thống kê và ví dụ minh hoạ cụ thể để hỗ trợ các ý tưởng của mình, tạo nên một cuốn sách có tính chất khoa học và logic.
Nhìn từ những nhân vật xuất chúng
Tác giả đã phân tích và đưa ra những luận điểm để chứng minh 1 điều rằng, nhân vật xuất chúng đều là những người được hưởng lợi từ một vài cơ hội bất thường nào đó. Lấy ví dụ bằng việc phân tích bảng danh sách 75 nhân vật giàu có nhất trong lịch sử nhân loại, Gladwell đã chứng minh cho ta thấy có rất nhiều cơ may ngầm ẩn đằng sau thành công của những người được coi là xuất chúng trên thế giới.
Với câu chuyện của những cơ hội phi thường tiềm ẩn, 1 thắc mắc sẽ được hiện lên trong đầu mỗi người rằng: Có tồn tại một thứ gọi là tài năng bẩm sinh không? Câu trả lời là có, dĩ nhiên sẽ có những cá nhân thông minh vượt trội mà không cần luyện tập, họ vẫn rất thông thạo và thông thái ở một lĩnh vực nào đó. Nhưng khi đi sâu hơn vào sự nghiệp của những người có năng khiếu của thời đại, các nhà tâm lý học đã nhìn ra được rằng vai trò của tài năng bẩm sinh càng nhỏ và tầm quan trọng của sự chuẩn bị và luyện tập càng lớn trong quá trình hình thành nên câu chuyện thành công của mỗi người.
Một trong những điểm mạnh của cuốn sách là Gladwell đã chọn những ví dụ và câu chuyện hấp dẫn để minh họa các ý tưởng của mình. Những câu chuyện về Bill Gates, The Beatles, hoặc những vận động viên bóng đá người Jamaica đều là những ví dụ thú vị về những người đã đạt được thành công một cách đáng kinh ngạc. Trong hằng hà sa số những nội dung “self-help” dành cho giới trẻ, câu chuyện về 1 người bỏ học nhưng đã từng ngự trị trên đỉnh cao danh vọng của thế giới cùng những thành tựu của ông và những gì ông tạo cho thế giới này - Bill Gates chắc chắn là 1 trong những giai thoại kinh điển nhất. Đằng sau những sự sùng bái quá mức như 1 “case study” tiêu biểu của việc bỏ học vẫn thành công, không mấy ai quan tâm tới việc ông có bố là "nhân vật trụ cột của công chúng" với vai trò chủ tịch một hãng luật nổi tiếng, mẹ là chủ tịch Ủy ban điều hành United Way toàn quốc & là giám đốc Ngân hàng West Coast., ông là chủ tịch ngân hàng quốc gia. Đó là chưa kể tới trí thông minh và tài năng bẩm sinh về ngành lập trình của ông. Chính Bill Gates từng chia sẻ thẳng thắn rằng, đây là một cơ may của ông và ông ước tính rằng cả thế giới lúc đó chỉ có khoảng 50 người có được cơ may lớn như vậy. Mặc dù điều này nghe không hể dễ chịu, nhưng chúng ta buộc phải thừa nhận rằng có những thứ đã được ấn định sẵn cho những cá thể riêng biệt ngay từ khi sinh ra. 1 ví dụ khác trong việc tập luyện và thi đấu thể thao, nếu bạn muốn hơn người cùng tập luyện chung phương pháp với bạn, hãy xem xét sự bẩm sinh của mình. Có thể khi luyện tập với phương pháp tập luyện của 1 trong những cầu thủ vĩ đại nhát thế giới, biểu tượng của sự khổ luyện thành tài - Cristiano Ronaldo, cơ thể bạn sẽ được cải thiện, nhưng sẽ không bao giờ trở thành 1 bản thể y hệt Ronaldo, vì điều này vượt quá giới hạn của bản thân.
Mình tin chắc rằng hầu hết mọi người đều chỉ nhìn nhận đánh giá trên sự thành công của người khác, ít ai có thể nhìn nhận những sai lầm và thất bại trong cuộc đời người đó. Vì 1 lẽ dĩ nhiên, ai cũng thích nghe những điều vui vẻ và làm những công việc dễ dàng và lờ đi những khó khăn thử thách đằng sau đó. Việc bỏ qua khiến bản thân chúng ta chỉ chăm chăm vào sự thành công, cách làm nên thành công và chỉ nhìn nhận trên một mặt của vấn đề. Đây còn được gọi là Survivorship bias, hay còn được gọi là “Hiệu ứng Thiên lệch kẻ sống sót”, là một hiệu ứng tâm lý học nói về việc chúng ta đã tin tưởng quá mức vào những phương pháp mà được cho là những người thành công đã áp dụng. Trong khi đó quên rằng những người thất bại cũng áp dụng cách thức tương tự. Bạn đọc được ở đâu đó rằng “Doanh nhân A kinh doanh cái này”, “ Tỷ phú B đầu tư cổ phiếu kia”, sau đó cố làm theo 1 cách mù quáng và cuối cùng thất bại. Tại sao lại thế? Vì điều bạn không biết được, và có thể bạn cũng không muốn nghe chính là sự vấp ngã, thất bại của những người này. Họ đã đi lên từ thất bại và biến nó thành thành công, còn bạn lại chỉ áp dụng cách làm dẫn tới thành công của họ.
“Mỗi người trong chúng ta đều có tính cách riêng biệt. Nhưng bao trùm trên tất cả lại là những khuynh hướng, cách thức và những phản chiếu được truyền lại cho chúng ta bởi lịch sử của cộng đồng mà chúng ta vốn hòa mình sinh trưởng, và những khác biệt ấy rõ ràng vô cùng.”
Một trong những điểm đáng chú ý được phân tích trong tác phẩm là về yếu tố môi trường. Tác giả giải thích rằng môi trường xung quanh chúng ta đóng vai trò rất quan trọng trong việc đạt được thành công. Có thể đó là nơi sinh sống, giáo dục, học hành hay đào tạo. Vì vậy, để đạt được thành công, không chỉ cần nỗ lực và may mắn, mà còn cần phải xem xét và lựa chọn môi trường phù hợp.
Đương nhiên rồi, cách bạn được nuôi dạy có ảnh hưởng lớn đến thành công của bạn sau này. Những cha mẹ giàu truyền cho con mình cảm giác “tôi có quyền” và thực sự họ đã trao cho quyền mình được hoạt động phong phú, thúc đẩy trí tuệ phát triển. Ngược lại, kém may mắn hơn, cha mẹ nghèo dễ khiến con mình sống khép nép, họ cũng có ít tác động lên quá trình học tập của con em mình. Những trẻ em có xuất thân nghèo khó bị giảm đáng kể khả năng thành công vì bố mẹ nuôi nấng chúng theo hướng tự tăng trưởng. Thành công là sự tụ hội của nhiều yếu tố chứ không dừng lại ở tài năng bẩm sinh hay nỗ lực. Nó còn tổng hòa với di sản và các cơ hội đến đúng lúc. Thông qua những điều trên, chúng ta có quyền mong muốn gia đình, nhà trường và xã hội hãy tạo ra nhiều cơ hội bình đẳng và thuận lợi để ngày càng có thêm nhiều người thành công.
“Thành công đúng hơn là một món quà. Kẻ xuất chúng là những người được ban tặng các cơ hội − và họ có đủ cả nội lực cũng như năng lực trí não để nắm bắt lấy cơ may ấy.”
Cuốn sách cũng nói về sự may mắn trong thành công. Gladwell cho rằng sự may mắn không phải là một yếu tố ngẫu nhiên, mà có thể được tạo ra thông qua sự chuẩn bị và cơ hội. Tác giả đưa ra các ví dụ về những người thành công, những tình huống may mắn, và giải thích rằng sự may mắn không phải chỉ là may mắn tình cờ mà còn được tạo ra bởi sự chuẩn bị, kiên trì và nỗ lực.
Nên nhớ về may mắn như là một vật phải trả giá, nó không miễn phí, bắt gặp người bạn yêu trong đời cũng là một cái giá, đọc được quyển sách thay đổi đời bạn cũng là một cái giá, mọi thứ đều có giá! Do vậy, việc những người xuất chúng kia may mắn ở một thời điểm nào đó trong đời (kể cả là sau khi phải chịu vô số thiệt thòi và bất hạnh khác) khi bắt gặp được một chân lý hay gặp được một người nào đó làm họ hiểu ra vài điều và thoát khỏi bế tắc một cách vô tình - hẳn là thứ không luyện tập được. Và việc họ không đề cập đến chuyện này trong những bài nói chuyện của mình, có lẽ là do, nó vô tình đến độ người ta còn không cần phải nghĩ đến nó. Đó là may mắn!
“Thành tích là tài năng cộng với sự chuẩn bị”
Sự chuẩn bị ở đây là gì? Là nhiều giờ luyện tập hằng ngày, là sự chăm chỉ và nỗ lực cố gắng để trở nên thành thạo và tài năng ở một lĩnh vực nào đó. Bill Gates thành công không chỉ nhờ vào năng khiếu bẩm sinh của riêng ông mà còn là 8 giờ luyện tập mỗi ngày, là cơ hội được vào những ngôi trường tốt với những người có cùng chí hướng như ông, là được sinh ra trong một gia đình gia giáo và là những người đầu tiên được tiếp cận với lập trình khi còn trẻ. Với sự giúp đỡ của gia đình và nhà trường, Bill Gates đã có thời gian và cơ hội để luyện tập suốt 5 năm từ lớp 8 đến hết cuối trung học. Ông say sưa với máy tính đến 8 tiếng một ngày, 7 ngày một tuần. Thậm chí khi bị cấm sử dụng máy tính do sự cố bảo mật, ông đã đi bộ đến trường đại học Washington cách nhà vài dặm được sử dụng máy tính từ 3 đến 6 giờ sáng. Và sau này, khi sự bùng nổ công nghệ thông tin diễn ra, cũng là lúc ông rời bỏ Harvard để tạo dựng Microsoft cho riêng mình thì lúc đó ông đã nắm trong tay hơn 10.000 giờ luyện tập.
Bạn thấy đấy, đôi khi việc nhận ra giới hạn của bản thân không phải là việc gì đó đáng xấu hổ để phải né tránh, chối bỏ hay dè bỉu như rất nhiều người đang làm trong xã hội. Chúng ta thường vô thức cho rằng thành tích của một người là do nỗ lực và tài năng bẩm sinh của một mình người đó. Nhưng trên thực tế, thành tích là sự cộng hưởng của tài năng, là sự chuẩn bị của gia đình, qua đó chớp lấy những cơ hội để học hỏi và rèn luyện, là ảnh hưởng của các giá trị của thế giới mà chúng ta đang sống và những người mà chúng ta bao quanh. Chúng ta đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội để nâng đỡ và phát triển những cá nhân kém may mắn hơn và đưa họ đến thành công mà họ xứng đáng như bao người khác. Chúng ta thường sớm coi mọi người là thất bại và đã quá tôn sùng thành tích cá nhân mà quên mất vai trò của chính mình đối với xã hội, và chọn để tiếp tục viết tiếp những “luật chơi” không công bằng.
“Tài năng có thể khiến bạn nổi bật, nhưng tập luyện mới đưa bạn tới đỉnh cao”.
Cuốn sách này được viết ra không phải với mục đích dập tắt hy vọng của chúng ta - những cá nhân không có tiềm lực mạnh mẽ, “những người bình thường” trong xã hội này rằng chúng ta sẽ không bao giờ đuổi kịp được những “The Outliers”. Mình tin rằng, mỗi người tồn tại trên đời đều có lý do của họ. Điểm chung ở đây là tất cả đều khác biệt và toả sáng trong các lĩnh vực khác nhau theo cách riêng. Mỗi chúng ta đều là từng cá thể đơn lẻ, không ai giống ai nên đừng tự dằn vặt bản thân phải thành công giống ai khác. Chỉ cần hoàn thành lẽ sống thì ai cũng đều thanh bình và hạnh phúc. Vì hoàn cảnh gia đình, chúng ta có thể không có 1 xuất phát điểm tốt, nhưng chính bản thân mỗi người đều đang nắm trong tay quyền quyết định vận mệnh của chính mình và cơ hội để trở thành “sự chuẩn bị” tốt cho thế hệ tương lai.
Lê Minh