[REVIEW SÁCH] PHÍA SAU NGHI CAN X: ĐỨNG CÙNG PHE CỦA TỘI ÁC, THÌ CŨNG LÀ MỘT TỘI ÁC?
Thời gian: 02/04/2021 15:52:52“Phía sau nghi can X” là tiểu thuyết trinh thám của tác giả người Nhật Bản, ông Higashino Keigo. Tiểu thuyết này đã được dựng thành phim, và đạt được thành công khá lớn, đứng trong top 3 phim có doanh thu cao nhất tại Nhật Bản năm 2008.
“Phía sau nghi can X” là câu chuyện trinh thám, được kể lại thấm đẫm tính nhân văn bởi tình cảm của các nhân vật chính: tình yêu Ishigami dành cho Yasuko, tình bạn thân thiết giữa Yugawa và Kusanagi, sự đồng điệu sâu sắc giữa hai thần đồng Ishigami (Toán học) và Yugawa (Vật lý học).
Cốt truyện xoay quanh vụ án giết người do Yasuko là thủ phạm gây ra đối với chồng cũ của mình là Togashi (với sự giúp sức của con gái Misata) trong một dịp tình cờ. Cái chết của người chồng cũ đã chấm dứt hoàn toàn những đau khổ, những khó khăn và mệt mỏi mà hai mẹ con đang phải đối mặt. Tuy nhiên, cũng để lại cho Yasuko và con gái những sự sợ hãi và lo lắng nhất định khi đã tự tay tước đoạt đi mạng sống của một người.
Lúc đó, với sự ngỏ lời giúp đỡ của Ishigami, anh thầy giáo dạy toán phòng kế bên, Yasuko đã đồng ý để anh sắp đặt hết toàn bộ mọi chuyện còn lại, từ việc dọn dẹp hiện trường vụ án, cho đến việc tạo chứng cứ ngoại phạm một cách chắc chắn cho hai mẹ con, cách trả lời khai khi gặp điều tra viên… và nhiều, nhiều thứ nữa để đảm bảo làm sao cho hai mẹ con Yasuko trong thời gian sớm nhất không bị lọt vào đối tượng tình nghi từ phía cảnh sát.
Với sự thông minh và tư duy logic tuyệt vời của một nhà toán học, suýt tí nữa mọi thứ đã trở nên hoàn hảo nếu không gặp chướng ngại vật khó nhằn nhất, đó là Phó Giáo sư vật lý học Yugawa, người đã hỗ trợ rất nhiều cho cảnh sát phá các vụ trọng án, và đồng thời cũng từng là bạn thân thời đại học của Ishigami. Yugawa, với trí tuệ của mình, đã hỗ trợ rất nhiều cho anh bạn điều tra viên Kusanagi, người trực tiếp điều tra vụ án, từ việc gợi ý chuyển hướng điều tra qua Ishigami, đến việc phát hiện các manh mối khác mà đội điều tra không ngờ tới, cho đến khi vẽ ra một kịch bản mới, một kịch bản khác mà bên ngoài “Trông thì tưởng là gài bẫy ở chứng cứ ngoại phạm nhưng thực ra bẫy được đặt ở cách che giấu tung tích nạn nhân”.
Tình yêu, vốn không sai, và tình bạn, thì đáng được trân trọng. Ishigami vì tình yêu dành cho Yasuko, mà chấp nhận đứng ra sắp xếp toàn bộ mọi chuyện, quyết định nhúng tay vào giúp đỡ người mình yêu không một lần do dự, bất chấp những nguy hiểm. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, người đọc còn thực sự bất ngờ và hoảng hồn hơn khi biết sự thực đằng sau vụ án đó, những gì mà Ishigami đã làm, những điều anh đã giấu khi tự mình dọn dẹp tất cả. Đó quả thật là một tình yêu to lớn và vĩ đại, và cũng khiến người đọc suy nghĩ “Liệu có đáng để hi sinh?”
Trong khi đó, về phía Yugawa, ngay khi biết bạn mình có liên quan đến vụ án, đã lập tức can thiệp vào quá trình điều tra của cảnh sát. Vì tôn trọng sự thật và quyết tìm ra sự thật, nên Yugawa đã nhiều lần đưa ra những gợi ý điều tra cho cảnh sát, và thậm chí còn đích thân đi tìm câu trả lời. Càng cố gắng phủ nhận sự liên quan của Ishigami đối với vụ án, thì Yugawa càng tìm được nhiều bằng chứng hơn để thuyết phục anh tin rằng Ishigami thực sự can thiệp sâu vào vụ việc này, để rồi chính Yugawa cũng không thể tin vào điều anh đang suy nghĩ nữa. Cuộc đấu trí giữa hai thiên tài Toán học và Vật lý học trong vụ án như là một điểm nhấn, một điểm đặc biệt cho tiểu thuyết, gợi cho người đọc nhiều suy nghĩ về những thiên tài.
Kusanagi nổi lên như một điều tra viên cực kỳ tâm huyết và có trách nhiệm với công việc. Điều đó thể hiện rõ nét nhất qua hành động chấp nhận đánh đổi tình bạn với Yugawa để tìm ra chân tướng thật sự của vụ án.
“Việc nghĩ ra một bài toán vô cùng khó và việc giải bài đó, việc nào khó hơn?” và “Việc tự mình nghĩ ra lời giải và việc kiểm tra lời giải của người khác đúng hay sai, việc nào đơn giản hơn?” (bài toán P # NP) là hai bài toán được nêu ra cho người đọc, như là một gợi ý để đi tìm lời giải cho đáp số cuối cùng. Với tác phẩm này, người đọc có một cách tiếp cận và hình dung rõ hơn về toán học và ý nghĩa thật sự của chúng, đó là khi Ishigami giải đáp một câu hỏi của học trò “Vi phân với tích phân thì có ích cho việc gì ạ? Có vẻ như chỉ phí thời gian.” Và khi anh áp dụng toán học và tư duy logic của mình vào việc đánh lừa hướng điều tra của cảnh sát.
Giọng văn không quá ly kỳ, tình tiết không quá ngộp thở hay gay cấn, thế nhưng vẫn cuốn hút người đọc bởi sự nhẹ nhàng và những chi tiết thắt cảm xúc của người đọc. Người đọc có thể biết được ai là thủ phạm ngay từ những trang đầu, nhưng chắc chắn khó tránh khỏi cái bẫy do chính họ giăng ra để rồi chính người đọc cũng không tự tin vào suy nghĩ của chính mình.
“Tôi và anh không thể giải phóng được khỏi cái đồng hồ. Chúng ta đều nằm dưới bánh xe của một cái đồng hồ mang tên xã hội. Bánh xe mà mất đi thì đồng hồ sẽ chạy lung tung. Dưới bánh xe này, chúng ta có muốn chạy theo ý mình cũng không được vì xung quanh không cho phép. Thế nên dù chúng ta ổn định đất nhưng lại mất tự do.. trên đời này không có bánh xe nào là vô dụng, việc bánh xe được sử dụng thế nào là do chính bánh xe đó quyết định”.
(Thanh Phong - Cựu sinh viên)