5 bước chấm dứt tình trạng nghiện công việc
Thời gian: 11/10/2023 14:44:12
Workaholic là gì?
Workaholic là một trong những thuật ngữ chỉ đến những người nghiện công việc, hay là “tham công tiếc việc”.
Chủ nghĩa nghiện công việc hay còn gọi là Workaholism biểu hiện qua việc chúng ta không thể kiểm soát được bản thân mà buộc mình phải làm việc vì những áp lực xuất phát từ nội tâm. Họ sẽ bất giác trở nên lo lắng nếu không làm việc. Phần lớn thời gian trong cuộc sống của họ xoay quanh công việc trong khi điều này không thực sự khiến họ vui vẻ và thoải mái.
Dù vậy, chúng ta không nên đánh đồng chứng nghiện công việc với những người chăm chỉ, có thái độ làm việc tốt, tận tụy và đôi khi sẵn sàng làm thêm giờ để hoàn thành deadline. Mấu chốt của sự khác biệt nằm ở cảm xúc và sự thỏa mãn khi làm việc. Những người nghiện công việc làm việc chăm chỉ vì họ cần cảm thấy bận rộn, và luôn lo lắng khi dừng làm việc. Chính vì vậy, chứng nghiện công việc ít nhiều để lại những hậu quả nặng nề về tinh thần, sức khỏe và cả đời sống, các mối quan hệ xã hội của chúng ta.
Điều gì gây ra chứng nghiện công việc?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới tình trạng này ở người trẻ. Một số nguyên nhân tiêu biểu là:
- Nguyên nhân cảm xúc : Những người nghiện công việc cảm thấy tội lỗi và lo lắng khi họ không làm việc.
- Nguyên nhân hành vi : Những người nghiện công việc thường được củng cố thông qua phần thưởng tài chính và nâng cao địa vị.
- Cạnh tranh với đồng nghiệp: Những người nghiện công việc thường cảm thấy họ có thể nâng cao lòng tự trọng của mình bằng cách kiếm được nhiều tiền hơn hoặc đạt được địa vị cao hơn bằng cách làm việc một cách ép buộc.
- Ảnh hưởng từ gia đình, xã hội: Những người nghiện công việc có thể đã có cha mẹ quá bảo bọc hoặc đòi hỏi quá cao.
- Nguyên nhân di truyền : Những người nghiện công việc có thể có những đặc điểm ăn sâu như tính cầu toàn.
Vậy làm thế nào để chấm dứt tình trạng nghiện công việc?
Bước 1: Đối mặt với bản thân
Đa phần các nguyên nhân biến một người thành Workaholic đều bắt nguồn từ những vấn đề tâm lý và suy nghĩ của mỗi người. Vì vậy, bước đầu tiên để chấm dứt tình trạng này chính là việc chấp nhận đối diện và thấu hiểu cảm xúc của bản thân. Hãy dựa trên những biểu hiện để xem xét về tình trạng nghiện công việc của mình. Bạn nên thoải mái chấp nhận rằng mình là một Workaholic và suy nghĩ về những áp lực đã thúc đẩy bạn rơi vào tình trạng ấy. Sợ thất bại? Cảm thấy kém cỏi với bạn bè? Hay quá ám ảnh với sự hoàn hảo? Từ những nguyên nhân sâu xa đó, chúng ta sẽ tìm ra giải pháp và khắc phục tâm lý của mình một cách tốt nhất.
Bước 2: Thực hiện một lối sống lành mạnh
Nghỉ ngơi, thư giãn và đối diện với những cảm xúc tiêu cực của bản thân là một trong những cách thức hiệu quả nhất healing và vuốt ve tâm trạng của bạn. Dành cho bản thân những khoảng thời gian để nghỉ ngơi trong ngày. Chăm chỉ vận động, nhìn ngắm mọi thứ xung quanh bằng cách đi dạo, tập thể dục, hay thực hiện bất kỳ hoạt động thư giãn nào giúp giảm stress và tái tạo năng lượng. Đặc biệt là chăm sóc sức khỏe thật tốt, bắt đầu từ những thứ cơ bản như ngủ đủ giấc, ăn đúng bữa. Điều này không chỉ giúp tâm trạng của bạn tốt hơn mà cũng sẽ giúp bạn thoát khỏi guồng quay công việc.
Bước 3: Lên kế hoạch làm việc cụ thể và tuân thủ
Hầu hết những người nghiện công việc đều không kiểm soát và làm chủ được khoảng thời gian làm việc của mình. Đôi khi, họ làm việc trong một khoảng thời gian rất dài nhưng không hiệu quả.
Vì vậy, nếu bạn đang ở trong tình trạng này, hãy thiết lập và tuân thủ lịch trình làm việc. Bạn cần đặt ra giờ giấc làm việc cụ thể cũng như khoảng thời gian kỳ vọng để hoàn thành một nhiệm vụ. Đảm bảo rằng bản thân được nghỉ ngơi và có thời gian để phục hồi năng lượng.
Bước 4: Sắp xếp thứ tự ưu tiên
Để làm việc một cách hiệu quả, bạn cần xác định những mục tiêu cụ thể và quan trọng trong công việc, sau đó ưu tiên công việc theo ma trận ưu tiên (Gấp và quan trọng - Gấp và không quan trọng - Không gấp và quan trọng - Không gấp và không quan trọng).
Đừng gượng ép bản thân hoàn thành mọi thứ một cách hoàn hảo. Cũng không nên quá đa nhiệm (multitasking). Việc làm nhiều task cùng một lúc đôi lúc sẽ khiến mọi thứ trở nên rối rắm, phức tạp, và khiến não bộ kiệt sức.
Bước 5: Cân bằng cuộc sống và dành thời gian cho các mối quan hệ
Dù công việc có bận rộn và áp lực, bạn cũng nên dành thời gian cho gia đình, bạn bè và các hoạt động giải trí khác ngoài công việc. Cùng họ trò chuyện, tâm sự và làm những điều mới, những sở thích cùng nhau để tách bản thân khỏi công việc. Từ đó, tạo ra sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
_KAM