Những ngày âu lo...
Thời gian: 15/01/2022 01:16:36Tôi trở về căn phòng trọ ở cuối ngõ, hoa phượng đã nở đỏ, phủ kín những khoảng trời nhỏ từ ngõ nhìn lên, chen vào những đường dây điện chằng chịt nhức mắt. Những cánh hoa chen trong những tán lá xanh rì, những cánh khác thì buông mình xuống con đường bê tông vòng vèo.
Tôi vốn rất thích hoa phượng, hồi học cấp 3, tôi thường ép những cánh phượng trong quyển nhật ý, tuỳ ý viết những dòng suy nghĩ vẩn vơ, ngây ngô đến bật cười cạnh những cánh hoa ấy. Mỗi lần mở ra xem lại, cái mùi hương ngai ngái dễ chịu và cái màu vàng úa của những cánh hoa chưa bao giờ khiến tôi nguôi hoài niệm. Hoài niệm về một cô gái từng cười giòn tan mỗi ngày đến lớp, về cô gái mơ về bản thân trong tà áo dài đứng trên bục giảng…
Ấy vậy mà, bản thân tôi của hiện tại, nhìn những tán phượng đỏ rực kia, chẳng còn thấy rạo rực… Hoa phượng với tôi bây giờ, không phải tượng trưng cho màu đỏ của sự nhiệt huyết nữa mà là màu đỏ báo hiệu hè về, trong đầu tôi chỉ có những suy nghĩ khó chịu về thời tiết oi bức, về kẹt xe, khói bụi, về tiền điện, tiền nước tăng vù vù… Tôi mặc kệ những tán phượng, mặc kệ những rung cảm đã từng…
12 năm trời ôm giấc mơ trở thành cô giáo, tôi giờ đây đã là sinh viên sư phạm năm 3 rồi. Đúng, tôi đang đi trên con đường mà tôi mơ ước cơ mà, sao tôi lại buồn đến thế?
Vì lẽ… Tôi đã qua cái thời tha hồ mộng mơ rồi ư?
Tôi bước vào đại học với những nỗi lo cơm áo gạo tiền. Ngày đầu tiên ngồi ở giảng đường, tôi nghe tin bố phải nhập viện cấp cứu. Tôi thậm chí không đủ tiền bắt một chuyến xe về quê thăm bố, tôi khóc ướt sũng chiếc gối, thu mình trong một góc nhỏ của kí túc xá. Bố may mắn qua khỏi, nhưng liệt nửa người, cả gia đình trông chờ vào chiếc máy may cọc cạnh của mẹ. Nhà tôi không có đất mặt đường, không mở được tiệm may, mẹ nhận hàng về gia công, bị người ta cắt xén thù lao cũng đành chịu. Tiếng máy rè rè đến mờ sáng cũng không lo nổi tiền thuốc thang cho bố.
Bố tôi hiền lành, ai cũng khen ngoại tôi kén được ông con rể được nhất làng. Bố tôi thương mẹ nên trong ngày qua ngày chỉ biết nhìn mẹ vất vả sớm tối, bố tự trách mình vô dụng, nghĩ nhiều bạc hết mái đầu. Từ bao giờ bố đâm ra cọc cằn. Mẹ cũng ngày càng khắt khe hơn, khó kiềm chế hơn. Không khí gia đình lúc nào cũng ngột ngạt đến khó thở. Khó thở đến mức tôi đôi lúc chẳng muốn về nhà.
Ngoài giờ học, tôi đâm đầu đi làm thêm để chi trả cho sinh hoạt phí đắt đỏ trên Hà Nội, dè sẻn để cố gửi về nhà được đồng nào hay đồng đó. Tôi chẳng quan tâm đến những bài học trên lớp, chẳng thèm mơ mộng để hình ảnh tà áo dài ngày nào, trong đầu tôi, toàn những lo và nghĩ…
Gần 5 tháng trôi qua, sau bao lần cố viện cớ bận học, bận làm, tôi cũng lên chuyến xe khách cuối ngày về nhà. Lòng tôi trống rỗng, không cảm xúc gì, hoặc có mà tôi không cảm nhận được, không nhung nhớ, không háo hức, không mong chờ, chỉ là… về nhà thôi…
Chiếc xe bị hỏng máy giữa đường, gần 10 giờ đêm rồi, tôi càng thêm bực bội, chỉ nghĩ tại sao dở hơi về nhà làm gì. Gần 11 giờ xe vẫn không sửa được, khách trên xe đã gọi người nhà ra đón về gần hết, anh tài xế cũng khuyên tôi không nên đợi làm gì, chi bằng gọi người nhà ra sớm. Tôi mở điện thoại ra, 15 cuộc gọi nhỡ của mẹ. Tôi đã làm gì mà không cả mở điện thoại vậy? Cuộc gọi đến, tôi nghe máy, từ đầu dây bên kia, tiếng mẹ tôi hớt hải, hỏi dồn dập. Tôi bỗng khóc oà lên, khóc như thể tôi 3 tuổi chứ không phải 21 tuổi nữa. Tôi nhớ mẹ, nhớ cái giọng choe chóe của mẹ tôi mỗi lần cao giọng, nhớ ngôi nhà nhỏ của tôi, nhớ giọng bố trầm trầm bênh vực mỗi khi tôi bị mắng… Tôi không có quyền làm trẻ con nữa nhưng vẫn có quyền làm đứa con bé bỏng của bố mẹ cơ mà? Sao tôi không nhận ra?
Tôi khóc mãi cho đến khi nghe tiếng xe đạp cọc cạch của mẹ tôi đến gần và giọng choe chóe quen thuộc của mẹ tôi vang lên mắng: “Ối giờ hơn 20 tuổi đầu có tí chuyện cũng khóc thút thít, người ta cười cho, lên xe đi về”
Lâu rồi tôi không ngoan ngoãn như thế…
Con đường đất vòng vèo dẫn vào nhà tôi, con đường đất đầy sỏi đá, tiếng côn trùng kêu râm ran hoà cùng tiếng 2 mẹ con nhà kia, mẹ mắng con cãi như hình ảnh mẹ tôi thuở nào, cũng trên chiếc xe đạp này, đưa tôi đi học mỗi ngày.
Hôm ấy tôi mới nhận ra, thì ra tôi vẫn khao khát trở thành giáo viên để hoàn thành ước mơ của mẹ ngày nào, để không đứa trẻ nào mới 10 tuổi phải bỏ học đi phụ vữa nuôi các em mà quên hết mặt chữ như bố tôi… Tôi vẫn nhớ mẹ đã bán chiếc xe dream bố mẹ tích góp mãi mới mua được cho tôi đi học… Tôi vẫn nhớ câu chuyện bố tôi lăn chiếc xe lăn dọc con đường sỏi đá ra đường lớn để gửi cho tôi yến gạo vì mẹ tôi đi trả hàng không về kịp… Tôi vẫn nhớ tôi quyết tâm học thật giỏi, kiếm thật nhiều tiền để chữa lành chân cho bố tôi…
Tôi nhớ, tôi nhớ hết, nhớ không thiếu một kí ức nào nhưng lâu nay tôi cứ ép mình phải nén nó thật sâu dưới đáy lòng để hôm ngày hôm ấy phải được khóc thút thít như một đứa trẻ…
Bố mẹ ơi, con nhớ nhà lắm…
(Ban Biên Tập)