Giọt nước mắt hai màu
Thời gian: 16/11/2014 20:03:00Chúng ta lớn lên và trưởng thành cùng với nụ cười và những giọt nước mắt. Giọt nước mắt đã theo ta từ lúc cất tiếng khóc chào đời rồi lại đưa chúng ta về với cõi vĩnh hằng. Nhưng có bao giờ bạn tự hỏi: "Giọt nước mắt có màu gì?".
Bất chợt tôi nhớ đến 1 câu nói: "Khi bạn cười không có nghĩa là bạn đang vui. Khi bạn khóc không có nghĩa là bạn đau khổ". Và tôi thấy mình thật may mắn khi đã tìm được ra màu sắc đích thực của những giọt nước mắt mà người ta cứ ngỡ là "màu trắng".
Trong chương trình xét cấp học bổng năm 2014, Ban Điều hành Quỹ đã thêm khâu phỏng vấn vào quy trình xét cấp thay vì chỉ có 3 khâu: nhận hồ sơ - chấm hồ sơ - xác minh hoàn cảnh như mọi năm. Nhưng chính điều đó đã mang đến cho chúng tôi thật nhiều cảm xúc.
Sau khi đi xác minh hoàn cảnh, Ban Điều hành sẽ căn cứ vào kết quả xác minh để lựa chọn những em có hoàn cảnh khó khăn nhất vào vòng phỏng vấn. Thông qua vòng này, Ban Điều hành sẽ chọn ra những em có tư cách đạo đức tốt, biết vươn lên trong cuộc sống để trao học bổng. Tại khu vực Hà Nội, địa điểm phỏng vấn của chúng tôi tại tòa nhà 22 Ngô Quyền. Dẫu biết rằng khi các em đến vòng này đều là những trường hợp đặc biệt khó khăn nhưng khi nói chuyện với các em, tôi mới biết được những điều "thầm kín" mà việc xác minh chúng tôi không thể có được.
Giọt nước mắt các em đã rơi khi nói về hoàn cảnh của gia đình mình. Giọt nước mắt của những nỗi đau không thể nói thành lời. Giọt nước mắt của những trăn trở mà đáng lẽ lứa tuổi của các em sẽ không phải trải qua. Giọt nước mắt của những nhọc nhằn trên lưng mẹ, nỗi bất lực của cha và cả sự vô định của chính các em. Và bạn tin không: Tôi đã nhìn thấy màu đen trong những giọt nước mắt ấy.
Em Lê Thị Ngọc Anh quê Thanh Hóa là một trong số những trường hợp để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Tôi đang nghĩ nếu ông Kurosawa Akira - đạo diễn của bộ phim "Một lít nước mắt" đã từng lấy đi bao nước mắt của người xem vì nghị lực sống phi thường của nhân vật Aya - khi biết đến hoàn cảnh của Ngọc Anh liệu ông có một lần nữa chuyển thể cuộc đời của em vào môn nghệ thuật thứ 7 này?
Bố Ngọc Anh mất sớm vì căn bệnh ung thư quái ác. Một mình mẹ phải nuôi 2 chị em Ngọc Anh trong căn nhà nhỏ hẹp với những khoản vay nợ từ tiền chữa bệnh cho bố. Từ khi còn nhỏ, em đã phải đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Gói nem thuê là công việc chính của em. Em nói: "Mỗi khi tết đến, em thường làm đến tận tối ngày 30 mới được nghỉ vì nhu cầu nem vào dịp này nhiều. Sau khi về nhà cùng mẹ và em gái làm cơm cúng xong là em lăn ra ngủ vì mệt quá". Tiếp tục vẫn với giọng kể nghẹn ngào và hồi tưởng, em nói: "Năm em học lớp 9, em đi bán cua nhưng đến giờ đi học mà vẫn chưa bán hết. Em đã phải năn nỉ mọi người mua để còn đi học nhưng vẫn không kịp về nhà cất đồ. Thế là em mang cả cân và túi bóng lên lớp học. Lúc đó các bạn đều trêu em, thậm chí còn vứt cân của em đi..." Có lẽ nếu không phải đang ngồi ở "ghế nóng", phải luôn cố gắng giữ "cái đầu lạnh" có lẽ tôi đã khóc cùng em. Tôi thực sự không thể tưởng tượng được một đứa trẻ lại có thể chịu đựng giỏi như thế.
Nhưng đấy vẫn chưa phải là tất cả! Ngọc Anh còn bị bệnh tim hành hạ. Đến khi em bước vào năm thứ nhất trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) thì phát hiện bản thân bị viêm xương. Căn bệnh làm cho cả người em lúc nào cũng đau nhức khiến việc học tập, sinh hoạt gặp khó khăn. Cuối cùng do số tiền thuốc quá lớn (hơn 2 triệu/tháng) Ngọc Anh đã quyết định nghỉ học. Trong thời gian đó, em vẫn đi tìm việc làm thêm để giúp mẹ giảm bớt khó khăn. Tuy nhiên, bệnh tim và bệnh viêm xương ngày càng nặng khiến em không đủ sức khỏe để làm bất cứ việc gì. Bế tắc, cùng quẫn, em đã nghĩ đến cái chết để tự giải thoát cho bản thân và giảm gánh nặng của mẹ. Tôi có thể nhìn thấy sự sự bất lực, đau khổ trên gương mặt của em qua làn nước mắt. Và thật may mắn, em đã từ bỏ cái ý nghĩ tự tìm đến cái chết vì em biết nếu em có mệnh hệ gì người đau khổ nhất chính là mẹ và em gái em.
Cuộc đời là một vòng quay vô định, ta sẽ không thể biết trước điều gì. Chúng ta không thể thay đổi được mọi việc trong quá khứ, cũng không đoán trước được tương lai, vì vậy chỉ có thể nắm bắt và cố gắng hết mình cho hiện tại. Khi căn bệnh viêm xương thuyên giảm, Ngọc Anh đã lên Hà Nội làm công nhân để kiếm thêm thu nhập. Và một lần nữa, em lại muốn quay trở lại trường. Vượt qua mọi khó khăn về kinh tế, sức khỏe, Ngọc Anh đã thi đỗ vào trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội. Nói đến đây, gương mặt em bừng sáng, em nói: "Em nghĩ giờ không có gì có thể làm em gục ngã được nữa. Em muốn sống trọn cho từng ngày và cố gắng hết sức để thực hiện ước mơ của mình".
Lắng nghe những chia sẻ của em, tôi bỗng thấy mình thật nhỏ bé. Tôi không biết nếu tôi là em, tôi của hiện tại sẽ ra sao? Tôi không biết phải nói như thế nào về một người như em: "Ước mơ của em không phải là trở nên giàu có. Em chỉ muốn có một cuộc sống vừa đủ. Em muốn có thể chia sẻ và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn để họ có thể vượt qua tất cả. Bởi em hiểu cảm giác bất lực, không có niềm tin và thất vọng với cuộc sống..."
Trước nghị lực sống của em, Ban Điều hành Quỹ đã chào đón Ngọc Anh đến với ngôi nhà chung Thắp Sáng Niềm Tin. Và những giọt nước mắt đã rơi. Nhưng nó không còn là màu đen u tối mà nó có màu đỏ - màu của niềm tin, hạnh phúc. 4 năm học sắp tới đôi vai gầy của mẹ sẽ giảm bớt gánh nặng, những nhọc nhằn của em sẽ bớt đi phần nào. Em sẽ không còn cô đơn nơi Hà Nội rộng lớn bởi ở đó đã có những người anh, người chị luôn đồng hành và dõi theo từng bước đi của em.
Ngọc Anh chỉ là một trong số những trường hợp đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc. Tôi thầm cảm ơn các em. Vì các em đã mang đến cho tôi bao bài học về tình người, nghị lực sống, khát vọng vươn lên và niềm đam mê không bao giờ tắt. Và mong rằng: Dưới sự chung tay góp sức của cộng đồng nói chung và Quỹ học bổng Thắp Sáng Niềm Tin nói riêng, các em sẽ vững tin hơn và đạt được những ước mơ của mình.
Những tia nắng hiếm hoi lọt qua những đám mây âm u, dày đặc của mùa đông đang chiếu rọi khắp nơi. Và bạn hãy luôn tin rằng: "Sau cơn mưa, trời lại sáng!".
L.T