Sinh viên Quỹ học bổng Thắp Sáng Niềm Tin tham gia chống dịch Covid-19: “Hành trang của tụi em là yêu thương”
Thời gian: 20/09/2021 12:43:47Nhịp sống ở TP. Hồ Chí Minh những ngày gần đây đã sôi động trở lại, người người, nhà nhà trong tâm thế hòa nhập với trạng thái “bình thường mới”. Không ai có thể quên hơn 90 ngày trước, thành phố này là tâm dịch của miền Nam và cả nước, với số ca nhiễm, và số ca tử vong không ngừng tăng lên mỗi ngày. Để có được thành quả như này hôm nay, đó là những nỗ lực không ngừng của hệ thống y tế, sự phối hợp từ phía các cơ quan chức năng, và sự đồng lòng của toàn bộ người dân. Góp phần trong thành công ấy, có một đóng góp tuy nhỏ, nhưng đáng ghi nhận và tự hào, đến từ các em sinh viên Quỹ học bổng Thắp Sáng Niềm Tin, những người đã xung phong đi vào tâm dịch và cống hiến hết sức mình vì bình yên của thành phố này.
Hơn 2 tháng làm tình nguyện viên tại Bệnh viện Dã Chiến Thu Dung điều trị Covid-19 số 3, đến bây giờ khi hỏi lại lý do vì sao quyết định đăng ký làm tình nguyện viên, bạn Võ Ngọc Mãnh (sinh viên năm 4 Trường Đại học Y Dược Tp. HCM, đang sinh hoạt tại G12 Cộng đồng TSNT HCM) bồi hồi nhớ lại: “Khi nhìn những bệnh nhân mỗi ngày phải chống chọi lại với bệnh tật em cảm thất rất thương xót; Hơn nữa với một người học y và hành y trong tương lai, nhiệm vụ của chúng em là đem những kiến thức mình học được để giúp đỡ cho bệnh nhân''; Chính vì thế, em nghĩ đây là thời điểm em nên góp chút sức lực của mình cho cộng đồng. Hơn bao giờ hết “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”, từ trước đến nay em may mắn nhận được sự yêu thương và quan tâm của mọi người nên em mong muốn đóng góp sức mình vào công việc cứu giúp mọi người, cống hiến cho cộng đồng, đất nước”.
Cũng với một lý tưởng như vậy, bạn Ngô Thị Hoài Thương (sinh viên năm 3 trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng, đang sinh hoạt tại G13 Cộng đồng TSNT Đà Nẵng) đã không ngần ngại gửi đơn đăng ký xung phong vào tâm dịch TP. Hồ Chí Minh. Thương nhớ lại: “Vào thời điểm đó tình hình dịch ở Sài Gòn rất căng thẳng và phức tạp, em thấy khối lượng công việc của nhân viên y tế và y bác sĩ đã quá tải, và hầu như mọi người phải làm việc cả ngày lẫn đêm. Nên là một sinh viên Y Dược, em mong muốn có thể góp sức trẻ của mình giúp cho thành phố cũng như đất nước sớm đẩy lùi dịch bệnh”. Đến nay, cũng là hơn 2 tháng Thương đồng hành với vai trò là tình nguyện viên hỗ trợ lấy mẫu trên địa bàn thành phố Thủ Đức.
Với nhiệm vụ được giao là đưa thuốc kháng virus Molnupiravir tới tận nhà bệnh nhân, bạn Lê Thanh Truyền (Sinh viên năm cuối Trường ĐH Y Dược TP. HCM, hiện đang sinh hoạt tại G9 Cộng đồng TSNT HCM) phải có mặt ở Trường từ 7h sáng hằng ngày để chuẩn bị các hồ sơ, dụng cụ làm việc. Sau đó, tham dự họp với các ban điều phối hoạt động, nhận thông tin bệnh nhân, phiếu nghiên cứu, thuốc từ nhóm điều phối, giấy đi đường, máy đo nồng độ oxy trong máu, mặc đồ bảo hộ… và thế là lên đường tới nhà người bệnh. Trước đó, vào tối ngày hôm trước, Truyền tranh thủ đọc lại các kịch bản, tình huống có thể xảy ra cần phải xử lý. Truyền cũng tự ôn lại các kiến thức cũng như những nội dung cần phổ biến cho bệnh nhân như tên thuốc, tác dụng thuốc, hướng dẫn điều trị bằng thuốc, cách sử dụng và điều trị như thế nào… thậm chí các thông tin khác ngoài việc cung cấp thuốc. Truyền tâm sự: “Có những trường hợp em đi một “lèo” là tới nhà, nhưng có những trường hợp khá tốn thời gian. Có những ngày em đi cả trưa, trời rất nắng. Những tình nguyện viên như em phải mặc đồ bảo hộ kín mít, chạy xe máy đi ngoài trời nắng, mồ hôi chảy ròng rất mệt. Mỗi bệnh nhân nhận thuốc thông thường họ sẽ có bác sĩ theo dõi hỗ trợ điều trị. Khi đưa thuốc, bệnh nhân thắc mắc rất nhiều và em phải giải đáp tường tận để họ hiểu. Em tư vấn, động viên họ an tâm điều trị, giữ tinh thần, lạc quan ăn uống đầy đủ để nhanh khỏi bệnh”.
Tâm sự thêm với Ban Biên tập, Mãnh kể về công việc được giao và ký ức về quãng thời gian đặc biệt tại tâm dịch: “Trước đây, lúc mới vào bệnh viện em phụ trách các công việc nhập dữ liệu bệnh nhân, một thời gian sau, em chuyển sang lấy mẫu xét nghiệm cho các bệnh nhân ở bệnh viện. Gần đây em đã được giao phụ trách lên kế hoạch xét nghiệm, điều phối công việc, nhân sự, trao trả kết quả cho Bác sĩ điều trị, báo cáo xét nghiệm về bệnh viện quản lí và HCDC. Do đặc thù công việc phải tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân F0, ban đầu thì em cũng sợ, nhưng em không suy nghĩ quá nhiều. Có những cái tên bệnh nhân trước kia với em xa lạ nhưng dần dần trở nên quen thuộc. Em luôn mong mọi người có thể vượt qua những ngày tháng khó khăn, mong mình sẽ có thể tiếp thêm sức mạnh cho họ chiến đấu với bệnh tật. Có những lần nhìn những bệnh nhân ra đi trước mặt mà mình không thể làm gì được em cảm thấy buồn và tự trách mình sao không thể cứu được họ. Em mong dịch bệnh nhanh kết thúc để không ai phải chịu những mất mát nữa. Đất nước sớm chiến thắng đại dịch này”.
Cùng đồng cảm với câu chuyện của Mãnh, bạn Truyền cũng tâm sự về một kỷ niệm rất đặc biệt trong hành trình của mình, đó là khi đi giao thuốc cho một bệnh nhân chính là sinh viên cùng Trường, bị nhiễm bệnh sau một thời gian tham gia chống dịch: “Nhìn bạn, em thấy rưng rưng… Em không nghĩ có lúc mình lại đi giao thuốc cho chính đồng đội của mình trị bệnh. Điều đó có nghĩa là nguy cơ nhiễm bệnh hoàn toàn có. Vì vậy, em luôn nhắc nhở bản thân mình trước khi muốn giúp đỡ được cho nhiều người thì mình phải thật cẩn thận, giữ gìn sức khoẻ, tuân thủ đúng quy định… bởi nếu mình bị Covid-19 không những sẽ không hỗ trợ được bất kỳ ai mà còn làm cho mọi người lo lắng”.
Dù có lo lắng, nhưng gia đình (ba và bà nội) vẫn ủng hộ quyết định của Thương “Hành trang của tụi em lúc vào đây chỉ có sự hi vọng, tình yêu thương và chia sẻ. Ba dặn em đã vào trong đó (HCM) rồi báo tình hình để mọi người yên tâm”. Với sự động viên về tinh thần to lớn như vậy, Thương đã đủ dũng cảm vượt qua được những khó khăn, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Nhưng trong “tâm bão”, không chỉ có những lo lắng, những căng thẳng, mà đâu đó vẫn có sự lạc quan, những niềm vui, kỷ niệm đáng nhớ khác. Với Mãnh, niềm vui đến từ tình yêu thương, sự quan tâm của mọi người gửi gắm qua những món ăn, những bài hát, những lời động viên. Với Truyền, niềm vui đó đến từ nụ cười của những bệnh nhân F0 được nhận thuốc. Với Thương, thì đó là những ngày được đi “công tác” bằng xe “mui trần”, và được bà con ở đây bao bọc, thương yêu. Với các bạn, suy nghĩ đầu tiên của mỗi ngày thức dậy, đều mong số ca nhiễm hôm nay sẽ giảm đi, số người khỏe mạnh và xuất viện tăng lên, để không còn ai phải chịu đau khổ từ dịch bệnh nữa.
Ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, bạn sẽ chọn gì? Bạn có sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân của mình vì lợi ích của cộng đồng? Có sẵn sàng chia sẻ và cho đi? Mãnh, Thương, Truyền là những tấm gương trong số rất nhiều bạn sinh viên Quỹ đã xung phong tham gia chống dịch, những tấm gương sinh viên đáng tự hào, nhắc nhở chúng ta về sự tử tế luôn tồn tại trong cuộc sống này và sẽ không bao giờ tắt. Lời cuối cùng gửi gắm đến tất cả mọi người, các bạn sinh viên Quỹ tham gia chống dịch đều mong muốn rằng tất cả mọi người hãy sống tử tế với nhau hơn, cười nhiều hơn, sẻ chia nhiều hơn; Mong mọi người luôn mạnh khỏe, đất nước an bình. Ban Biên tập tin rằng đó cũng là ước muốn chung của tất cả chúng ta vào lúc này.
(Thanh Phong - CTV Ban Truyền thông gây quỹ)